Wednesday, December 29, 2010

Đọc The Hours của Michael Cunningham, nó làm tôi rầu

Mấy hôm nay bệnh quá, không có sức để làm gì ngoài việc lê xác ra khỏi giường để nằm trên sofa rồi lê xác từ sofa về lại giường.  Nên có thời gian để đọc được vài cuốn sách.  Hai cuốn tôi ấn tượng, và vẫn còn đang suy nghĩ về chúng: The Hours của Michael Cunningham và The Bell Jar của Sylvia Plath.  Cả hai đều kể về những người đàn bà, về những vật lộn trong nội tâm của họ khi phải đương đầu với thế giới bên ngoài; là những cố gắn vươn đến sự giải đáp cho câu hỏi, "Đàn bà muốn gì?"

The Hours tôi đã đọc hết.  The Bell Jar tôi đọc hơn phân nữa, đọc rất hứng thú cho đến đoạn tả nhân viên phát đồ ăn người da đen trong bệnh viện tâm thần, tôi hơi bị dị ứng với giọng văn đầy kì thị, nên tạm ngưng một lát, để suy nghĩ và lảm nhảm về The Hours.

The Hours là sự kết hợp của ba câu truyện.  Thật ra là ba câu truyện của ba người đàn bà ở ba thời điểm khác nhau, nhưng câu truyện của họ được luyện vào nhau nhờ những chi tiết chung nho nhỏ như những bó hoa hồng vàng, một buổi sáng mùa hè ở New York, một cuốn sách (Mrs. Dalloway của Virginia Woolf), một nụ hôn vô tình, sự lưỡng tính, vv.  Đồng thời chúng còn giống nhau ở điểm chúng đều cố gắng tìm đến giải đáp--làm gì với những người đàn bà không bình thường, không chấp nhận cuộc sống của phận sự, vai trò, và trách nhiệm?  Câu truyện (chuyện) đầu tiên là của Virginia Woolf, những ngày tháng bà viết tiểu thuyết Mrs. Dalloway và thời gian dẫn đến sự tự sát của bà.  Câu truyện thứ hai là của Laura Brown, một nguời đàn bà vào giữa thế kỷ 20.  Và câu truyện thứ ba là của Clarissa, một người cùng tên với nhân vật chính trong tiêủ thuyết của Virginia Woolf.

Virginia Woolf mới bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Mrs. Dalloway.  Bà đã được chồng đưa ra sống ở vùng ngoại ô London vì bác sĩ khuyên rằng cuộc sống ồn ào và hỗn tạp ở London không tốt cho sức khỏe và tinh thần của bà.  Virginia sống như cuộc sống hằng ngày là những kẻ xa lạ, chúng luôn gây cho bà áp lực, luôn nhìn ba với những con mắt xét đoán, chỉ trích.  Bà thể hiện nhiều triệu chứng của căn bệnh tâm thần; bà bắt đầu nghe thấy những gì người khác không nghe thấy, vv.  Trong thời gian này, Virginia vẫn viết và suy nghĩ về câu truyện của bà, làm thế nào để giải quyết nhân vật Clarissa Dalloway:

Clarissa sẽ mang cảm giác mất mát, sẽ vô cùng cô đơn, nhưng cô ta sẽ không chết.  Cô ta sẽ quá yêu cuộc sống, yêu London.  Virginia tưởng tượng đến một kẻ khác, vâng, một kẻ có thể xác khỏe mạnh nhưng tâm trí yếu đuối; một kẻ có một chút thiên tài, chút chất thơ, nhưng bị nghiền nát bởi những bánh xe của cái thế giới này, bởi chiến tranh và chính quyền, bởi những người bác sĩ; một kẻ mà theo ngôn ngữ chuyên môn là khùng, vì kẻ ấy tìm thấy ý nghĩa ở tất cả mọi nơi, vì kẻ ấy nhận biết rằng cây cối là loài vật có tri giác và bọn chim sẻ hót bằng tiếng Hy-Lạp.  Vâng, một kẻ như thế.  Clarissa, Clarissa lành mạnh--Clarissa hoan hỉ, bình thường--sẽ tiếp tục yêu London, yêu cuộc sống của những vui thú bình thường nho nhỏ, và một kẻ khác, một nhà thơ loạn trí, một kẻ hão huyền, sẽ là người phải chết.

Y như Virginia đã quyết định (hay tuyên đoán?), nhân vật Clarissa mà bà đã sinh ra cuối cùng vẫn sống, bất tử trong truyện của bà.  Rốt cuộc, tất cả những Clarissa trên đời đều sống.  Như câu truyện thứ ba.  Nhân vật cũng tên là Clarissa, cũng thật bình thường.  Clarissa yêu Richard.  Richard là một nhà thơ và nhà văn.  Hai người đã từng thử chung sống với nhau, và với một người nữa tên là Louis, nhưng vì lý do gì đó, có lẽ vì Clarissa quá bình thường, cô kết thúc cuộc tình tay ba với Richard.  Nhưng hai người vẫn giữ tình yêu cho nhau.  Rồi Clarissa lấy chồng, có con, và ly dị.  Khi câu truyện của cô bắt đầu thì Clarissa đã là bà già, đã sống với người yêu đồng tính của mình hết hơn 18 năm, và đã chăm sóc, lo lắng cho Richard suốt những năm anh bị nhiễm AIDS, tới thời kỳ cuối cùng khi HIV đã tàn phá đến bộ não của anh, dẫn đến những triệu chứng hoan tưởng như nghe thấy những gì ngoài ta không nghe thấy.  Clarissa yêu cuộc sống hằng ngày, yêu thành phố New York, yêu những buổi sáng mùa hè, những vui thú nho nhỏ bình thường, nên Clarissa sống.  Richard chết thế cho cô.  Anh ta thả mình qua khung cửa sổ của lầu 5 toà nhà.

Ở câu truyện còn lại của Cunningham, nhân vật tên Laura Brown cũng có thể là một Clarissa của Virginia Woolf, nhưng cô không yêu những điều giản dị của cuộc sống hằng ngày.  Cô không yêu hoa, không thích đãi tiệc, không thích buổi sáng mùa hè.  Laura Brown là một cô gái mê đọc sách, cô chỉ có cái đam mê duy nhất là nó.  Laura lấy một anh chồng thương vợ, thương con, vừa hiền vừa chịu khó.  Cô có một cậu con trai (là Richard, nhà thơ, kẻ điên rồ, người tình và tình yêu của Clarissa) và đang mang thai đứa thứ hai.  Lẽ ra cô phải vui, phải hạnh phúc, nhưng đối với cô, cuộc sống hằng ngày là một cái gì đó thật nặng nề, nó làm nặng thêm cái thai cô đang mang.  Cô không muốn cái thai đó, cô không muốn có thêm một đứa bé, với một cặp mắt tròn xoe cần cô, nhìn cô đầy yêu thương và bắt buộc cô phải đáp trả tình yêu thương đó.  Chi tiết của câu truyện thế nào chúng ta không rõ, vì tốc độ của truyện đi khá nhanh, chúng ta chỉ được chia sẻ vài mảnh đời của từng nhân vật, như thể chúng ta là những người khách được mời vào tham quan (hay nghe lén) cái thế giới nội tâm của họ.  Chúng ta chỉ biết, cuối cùng thì Laura cũng không thể tiếp tục vai trò người mẹ và người vợ mà thật sự, ở một mức độ nào đó, cô cũng rất muốn đóng, đóng cho tốt:   

Cuối cùng thì Laura Brown, người đàn bà từng tìm đến cái chết nhưng thất bại, người đàn bà từng trốn bỏ gia đình mình, lại sống sót khi tất cả những người khác qua đời, những người mà đã khổ sở tiếp tục cuộc sống sau khi bà bỏ đi. …  Đây, bà đang ở đây: người đàn bà của cuồn nộ và ưu sầu, của cảm xúc, của sự quyến rũ chói lòa; người đàn bà yêu tử thần; là nạn nhân đồng thời kẻ tra tấn ám ảnh những tác phẩm của Richard.  Đây, ngay trong căn phòng này, chính là người yêu; kẻ phản bội.  Đây là một bà già, một nhân viên thư viên đã về hưu từ Toronto, đang mang đôi giày bà già. 

Ở câu truyện của Virginia, bà không có con, không sinh sản được một kẻ "loạn trí," "một nhà thơ" nào, nên bà phải thế thân bằng chính cái chết của mình.  Bà tự tử bằng cách bỏ những cục đá to vào túi áo khoác rồi ra giữa dòng sông cho nước cuốn đi.  Bà chính là nhà thơ, là kẻ rối loạn tâm thần, kẻ có suy nghĩ hão huyền, và y như bà đã quyết định, bà phải chết.  Còn Laura Brown, Laura Brown không chết, vì Laura Brown đã tự sinh cho mình một nhà thơ, một kẻ loạn trí?  Hay có lẽ vì Laura Brown không có chút thiên tài, không suy nghĩ hão huyền, không phải là nhà thơ?  Như vậy với những người đàn bà không chấp nhận cuộc sống bình thường của vai trò và phận sự thì một là cái chết, nếu họ có chút thiên tài, hoặc là sự tồn tại dai dẵng, sự sống sót còn lại sau khi tất cả mọi thứ đã tàn trụi? 

Đọc quyển sách này xong, tôi thấy mình rầu, rầu kinh khủng.  Quyển sách hay, nhưng nó làm tôi rầu.  Tôi gắn bó với Laura Brown, tôi thấy mình giống Laura Brown quá.  Tôi cũng thấy mìnhh giống Clarissa nữa, như vậy kết cuộc của tôi sẽ ra sao? Nửa sống nửa chết chắc?  Hay một phần sống, một phần chết, một phần ngáp ngáp?  Rầu.  Rầu ơi là rầu. 

2 comments:

  1. om a, take care nhe.

    happy new year.

    ReplyDelete
  2. thank you, anh L. Khỏe bớt rồi. Peace and love in the new year to you and yours! :)

    ReplyDelete