Nhiều lúc, tôi thật cần được tiếp xúc với người khác, người ngoài, người ngoại, như những người bạn tôi đã gặp ngày hôm nay, chúng tôi gọi nhau là "gia đình," vì mỗi đứa với mỗi lý do riêng, cần đến một nhóm "người thân" ngoài cái gia đình tự nhiên mà chúng tôi có; những người bạn này của tôi, tôi yêu họ hết sức, họ sống tự nhiên, thân thiện, bao dung; họ mang trong tâm hồn nhiều vết thương, có kẻ còn mang vết thương trên người, nhưng họ dễ cười, dễ thông cảm, dễ tha thứ. và họ hồn nhiên, sống với mục đích rộng hơn cá nhân họ, sống với thái độ bất kính và bất cần. vì lý do đó mà tôi cần họ, cần như cần đọc sách, cần viết blog, cần hò hét. Không có những thứ này, tôi sẽ bị khùng, khùng hơn cái khùng bây giờ.
Em tôi, nó khùng thật. Không như tôi, tôi khùng giả. Có nghĩa là, nó đã được người ta công nhận là nó khùng. Và theo tôi, nó khùng thật. Nó nghĩ nó là Thượng Đế. Mà không, phải đính chính là không phải nó cho rằng nó
là Thượng Đế mà nó chỉ
mong muốn trở thành Thượng Đế. Khi người ta nói, Chúa ở khắp mọi nơi, ý người ta là sự hoàn thiện, cái đẹp
của Chúa, ở khắp mọi nơi và được thể hiện trong từng mỗi người, chứ không phải mỗi người là Chúa. Nhưng với em tôi, nó chỉ hiểu theo nghĩa đen chứ không theo nghĩa bóng. Mỗi lần nó nghe ai đó thốt lên câu, "Chúa ơi!" thì nó nghĩ rằng kẻ ấy đang kêu tên nó. Và trong cái thế giới này có sự hiện diện của một tập thể toàn cầu, a univesal collective, đang điều khiển cuộc đời nó, đang âm mưu kết nối với những thành phần xấu để hành hạ, đè bẹp nó. Nó gọi nhóm cầm đầu là Ban Thất Vọng, gồm có Tom Hanks, Warren Buffet, Bill Gates, Oprah, và những tên tuổi nổi tiếng khác. Trong sách tôi học có viết, tâm bệnh là sự thể hiện của những dằn xé và khủng hoản ở nội tâm, crisis lúc nào cũng xẩy ra khi người bệnh bị sốc hay khủng hoản khi đương đầu với những sự kiện ngoài đời. Hình như đó là lý do tại sao em tôi đã gọi nhóm chỉ đạo tập thể toàn cầu kia là Ban Thất Vọng. những lúc Ban Thất Vọng ra mặt thường trùng hợp với những xung đột với ai đó, hoặc lúc nó cảm thấy cô đơn, hay lúc học hành không tốt, điểm thấp, hay bạn học mỉa mai, xì xầm sau lưng nó, hay stock của nó mất tiền, vv.
Thú thật thì chính tôi cũng có một Ban Thất Vọng, nhưng chỉ điều Ban Thất Vọng của tôi không phải ai khác ngoài bản thân mình, và không phải lúc nào cũng bị nó đuổi bắt vì tôi đã học được những cái mẹo để đánh lừa nó. Và thú thật nữa thì tôi nghĩ chúng ta ai cũng có một Ban Thất Vọng của họ, chỉ khác nhau ở thành viên của ban thôi. Cũng như chúng ta ai cũng có cái Tôi-cho-mình-là-thượng-đế, chỉ có điều nó nằm sâu trong vô thức, còn với những người như em tôi thì nó chiếm lấy tất cả ý thức hệ.
Còn tôi, tôi ám ảnh điều gì? Tôi ý thức được điều gì?
Tôi nghĩ tối thiểu thì mình cũng còn ý thức được rằng mình sinh ra để đợi chờ. Từ lúc nhỏ, trí nhớ tôi chỉ có hình ảnh mình đứng ven cửa nhìn ra ngoài, chờ đợi. Ký ức về sự chờ đợi sớm nhất là một buổi chiều bên bờ sông ở ruộng ngoại tôi, nằm ngoài trung tâm Thủ Đức khoảng một tiếng đi bộ. Lúc đó ba tôi không ở chung với chúng tôi, chỉ có má và các em, ở trong ruộng với ông ngoại và cậu tư. Má tôi giúp ngoại trồng rau muống, sáng đã mang rau ra chợ bán, đến chiều tối mới về nhà. Tôi là con gái, không được đi chơi với hai ông anh, nên thường chỉ lủi thủi với hai đứa em. Chiều hôm đó tôi nhớ cậu Tâm có ngồi với tôi đợi má. Cậu Tâm yêu dì Út tôi, dì tôi quyết cắt đứt quan hệ với cậu vì người chị họ của dì có ý với cậu Tâm và tò thái độ hơn thua với dì, nên vì lòng tự ái, dì tôi quyết định không qua lại với cậu nữa. Có lẽ vì chuyện của dì mà chiều hôm đó cậu Tâm đã ra ruộng để nói chuyện với má. Lúc cậu tới má chưa về, nên cậu đã ngồi bên bờ sông để đợi với tôi. Tôi nhớ mình đã hỏi cậu, làm sao để má biết là tôi đang nhớ má và muốn má về? Cậu nói, khi người ta nhớ ai thì người ta cứ kêu thầm trong bụng, ba hồn chín vía ai ơi, thì người đó sẽ biết ngay là mình đang kêu họ. Tôi nhớ mình đã kêu trong bụng ba hồn chín vía má ơi về đi. Sau đó mỗi ngày tôi đều ngồi bên bờ sông và kêu thầm trong bụng ba hồn chín vía của má tôi.
Theo má tôi kể, trước đó, trước khi tôi có thể tự nhớ về mình, thì tôi và các em đã làm quen với chờ đợi. Ba má tôi thường hay xung đột với nhau, ba nhiều lần bỏ đi, má nhiều lần muốn thôi, nhưng những lúc ba bỏ nhà đi, chúng tôi lại khóc, lại ngồi ngay cửa đợi ba về, quyết không chịu để má ẫm vào giường, cho đến khi buồn ngủ quá thì nằm ngay ở cửa mà ngủ. Má tôi nói vì chúng tôi cứ cương quyết nằm giữ cửa như vậy mà má không nỡ lòng ly dị ba tôi. Lớn lên bà thường hay nhắt tới điều đó.
Tôi thì lại nghĩ, vì ba má không nỡ lòng ly dị nhau mà bọn con nít chúng tôi phải tập cái thói quen chờ đợi, đợi hết người này đến người kia, đợi ba xong rồi đợi má, rồi lại đợi ba.
Trong thời kỳ xung đột kế tiếp, lúc đến tuổi vào học mẫu giáo, tôi và hai em được ba đưa về ở với nội, còn út thì ở với má. Ở với nội thì sướng, không sợ đói, lại thường xuyên được ăn hàng, được cùng mấy đứa em họ đi tắm sông, đạp xe đạp bỏ nước đá rồi lẻn đi chơi. Nhưng thời gian được đi học ngắn ngủi. Không hiểu sao được vài tháng thì chúng tôi không còn đi học nữa, để lại những buổi trưa dài thật dài. Tôi nhớ buổi trưa ở cù lao Biên Hòa im thin thít, hình như nắng quá chả ai thèm ra ngoài, đường phố vắng hoe, đến lúc mặt trời đứng bóng thì tất cả người và vật cũng bất động, chỉ có tôi và hai đứa em, lạo xạo ngoài đường, đá cái lon kêu lọc cọc trên con đường đang nín thở. Ngày nào cũng vậy, từ sáng chúng tôi đã bắt đầu đợi cho đến lúc đi ngủ, đợi nghe tiếng ba tôi đạp xe vào ngỏ để đón chúng tôi về. Ở với nội chưa đầy một năm, nhưng thời gian đó dài gần hết cả tuổi thơ.
Tuổi thơ tôi là như vậy. Ký ức chứa toàn những buổi trưa đi rong, rồi những buổi chiều chờ đợi.
Có lẽ vì vậy mà đến giờ tôi vẫn ám ảnh sự chờ đợi, cứ nghĩ rằng mình đang chờ đợi điều gì, tuy rằng mình thật sự có chờ đợi cái gì đâu. Cứ như trạng thái chờ đợi đã ăn xâu vào vô thức, nó đã hợp nhất với cái tôi, nó đã trở thành như hơi thở và chớp mắt.