Saturday, February 20, 2010

Từ cuộc hành trình

Hồi chiều ngồi trên xe đã suy nghĩ tới điều gì, bây giờ quên mất rồi. ...

À, nhớ rồi, là một chuyến đi. Tôi kể bạn nghe về một chuyến đi. Và một câu chuyện tình (vâng, lại là chuyện tình; tôi thích cái đề tài này và cứ lòng vòng với nó).

Chuyến đi xẩy ra vào những ngày giữa mùa hè, khi năm học vừa hết. Ba gọi, hỏi tôi hè này có về nhà không. Tôi ở lại trường cũng không làm gì, nhất định là sẽ không viết được thêm chữ nào cho cái luận án cao học của mình, nên tôi nói với ba tôi sẽ về, về thăm nhà, thăm ba má. Ba tôi mừng lắm, hỏi tôi về bằng gì, và khi nào về. Tôi tín lại số tiền trong nhà bank của mình chắc chỉ còn đủ cho tôi đi xe bus, mất thời gian nhưng cũng là dịp nhìn xem phong cảnh chung quanh. Tôi nói với ba, con sẽ đi greyhound về, chắc tuần sau đi. Ba nói, ừ, ba má đợi con.

Tôi thấy hứng khởi với kỳ về thăm nhà này. Nói chung là tôi hứng khởi trước tất cả những chuyến đi, hễ được đi là tôi khoái, không cần biết đi đâu. Kỳ này đặc biệt hơn vì tôi chưa từng đi xe bus đường dài như thế, và sẽ ghé qua những thành phố làng xã mà tôi chưa từng biết tới. Xe bus khởi hành từ Oakland, California, sáng hôm thứ 2, chạy về phía đông hơn 3 ngàn miles, hình như là 3 ngày hai đêm, tới chiều thứ 4 thì về tới Chicago. Tôi mang theo một ba lô nhỏ đựng đồ mặc và cái backpack đựng sách vỡ của tôi, cùng với một chai nước và một ổ bánh mì lát honey wheat.

Từ chuyến đi này tôi được làm quen với hai người. Người đầu tiên là một chàng thanh niên người Mễ, tôi bắt chuyện với anh từ trạm Salt Lake City, Utah, anh ngồi sát ghế tôi. anh vào Mỹ bất hợp pháp, không có giấy tờ để đi làm nên mấy năm nay anh làm mướn cho một chủ ruộng ớt ở Cali. Anh kể, công việc rất mệt, không phải vì anh làm việc nặng mà vì phải cuối xuống gần sát mặt đất để hái những trái ớt vừa chín tới, dưới cái mặt trời hình như lúc nào cũng oi ả. Người ta hái ớt ở đây từ tháng 6 đến tháng 9, mỗi một thùng ớt hái được (khoảng 30.3kg) người ta trả cho anh 55 cents. Tưởng tượng đi, một ngày bạn có thể hái bao nhiêu thùng ớt? Còn vào những tháng khác, anh làm gì? Thì hái, lặt những thứ khác. Anh bảo anh có người bà con ở Chicago, kêu anh về ở chung với chị ấy, chồng chị ấy sửa nhà, anh có thể theo giúp. Tôi hỏi anh, anh còn gia đình ở Mexico hả? Anh bảo, còn mẹ và hai đứa em. Ba mất hồi anh còn nhỏ, tai nạn trong sở làm, sở không có đền bảo hiểm gì cả, mẹ anh giặc đồ mướn, anh ra đi làm từ lúc 12 tuổi, 3 năm trước theo người bạn vượt biên giới qua Mỹ cho đến giờ, hàng tháng gửi về cho mẹ và các em được 2,3 trăm đô, khoảng chừng 3/4số tiền lương của anh. Tiếng Anh của anh rất ít, nên để hiểu được nhiêu đó anh phải dùng nhiều cách diễn tả, chúng tôi nói chuyện thật lâu. Tôi ngồi nghe anh kể mà nghe bụng anh kêu rào rào. Tôi bật cười, mời anh mấy miếng bánh mì honey wheat tôi mang thao. Anh ngập ngừng, chắc vì thấy ngại không muốn nhận đồ của người lạ, nhưng tôi nói, ăn đi, tôi còn nhiều, anh cũng cầm lấy. Chúng tôi im lặng vừa nhai bánh mì vừa nhìn ra cửa sổ. Xe bus chạy qua những cánh đồng khô, không biết ở đó trồng gì, trời cũng choạng vạng tối, đường thôn quê không đèn đuốc gì cả nên có nhìn cũng không biết mình nhìn gì.

Khi tới Laramie, Wyoming, xe dừng lại cho hành khách đi vệ sinh, ăn uống, và cho bác tài nghỉ ngơi chút lát trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Tôi xuống xe, mua hai chai nước, tôi một chai anh một chai. Anh cười, như ngại ngùng, như mắc cở. Tôi cũng cười, không cười không biết làm gì. Xe vừa tiếp tục chạy được mười, mười lăm phút thì tôi bổng thấy khó chịu, muốn nôn mửa. Tôi lật đật chạy lên đầu xe, nói bác tài ơi làm ơn dừng xe dùm tôi, tôi không xong rồi. Bác tài thấy điệu bộ chắc không xong thật nên dừng xe ở một cây xăng (hình như là cây xăng duy nhất trong vùng). Tôi xuống xe chưa hơn hai bước đã hụa một dàng, mặt mài tái mét. Bác tài xuống xe, lấy hai cái ba lô đồ của tôi xong thì bác bảo, vào trong gọi cảnh sát tới, có nhà thương gần đây, tôi phải chở các hành khách khác, cô cứ ở lại khi nào khỏe thì đón chuyến kế tiếp tại đây. Rồi xe tiếp tục lên đường, bỏ tôi đứng ở giửa cây xăng lờ mờ, vừa muốn hụa vừa muốn khóc. Tôi vào bên trong, vừa định gọi cảnh sát thì thấy có bác taxi chạy tới, tôi hỏi bác có nhà thương gần đây phải không, bác bảo ừ, tôi lên xe, chạy vài phút đã tới. Vào nhà thương y tá tiêm cho tôi một bao nước biển, chị y tá thật dễ thương, vừa gắn IV line cho tôi vừa nói, đừng lo, không sao đâu, cứ nằm nghỉ ở đây, sáng mai dậy sẽ khỏe lại và đi tiếp. Tôi nhếch miệng, muốn cười nhưng không cười nổi nữa, lim dim rồi ngủ mất tiêu lúc nào không biết.

Sáng dậy khỏe rồi, bác sĩ ký giấy cái rẹt, tôi lại leo lên xe, tiếp tục về Chicago. Chuyến xe này ít người hơn, tôi ngồi một mình trên nguyên dải nghế. Xe chạy ngang một cái làng nhỏ, cũng ở Wyoming. Một hành khách mới lên xe. Bà từ từ đi xuống phía sau xe, tới nghế tôi thì bà ngồi xuống. Tôi đang nhìn ra cửa sổ, suy nghĩ mông lung gì đó về người bạn không kịp chia tay của tôi nên không để ý bà khi bà ngồi xuống kề bên. Bà lên tiếng chào tôi, làm tôi giựt mình. Chúng tôi cười nhau, chào hỏi nhau vài câu. Bà nhìn chừng đâu 60, trông rất khỏe. Bà bảo bà thường bắt greyhound từ Laramie đến thành phố cách đó 40 phút để thăm con gái và hai cháu. Bà ở một mình, chồng mất cách đây mấy năm nên ở nhà buồn lắm. Không hiểu tại sao, bà bất chợt nhìn tôi hồi lâu, rồi mỉm cười bảo tôi, tôi kể cho cô nghe một câu chuyện tình nhé. Tôi thì khoài rồi, chuyện gì chứ chuyện tình thì tuyệt vời!

Bà kể hồi đó, phụ nữ học đại học cũng nhiều lắm, nhưng chỉ có đàn ông mới làm giáo sư được thôi. Năm đó bà học năm thứ hai đại học, ngành văn. Bà kể, bà mê ông giáo sư dạy lớp văn Mỹ, nhất là khi ông ấy giảng về Ralph Waldo Emerson, làm bà mất hồn. Lúc ông giảng về Emerson, mắt ông trong vắt nhìn vào một nơi nào đó xa lắc, làm bà cảm giác cứ phải đinh ninh rằng có một thế giới bí mật khác mà chỉ mình ông giáo sư ấy biết. Kể đến đây mắt bà nhìn ra cửa sổ, như thể bà đang ngắm nhìn đôi mắt trong veo và xa xăm của ông giáo sư kia. Bà kể, tôi mê ông ấy lắm, nhưng ông ấy là giáo sư, làm sao tôi dám lên tiếng. Mãi đến năm sau, khi tôi học năm thứ ba, một hôm tôi và một người bạn gái vào thư viện mượn sách. Tôi đang viết một bài luận văn về Emerson nên đến nơi để sách của ông ấy, tôi đang đứng bên đây kệ tìm sách, nhìn qua bên kia thì thấy một cái lưng đàn ông, nhìn quen quen. Người đàn ông ấy đang ngồi, quay lưng về phía tôi, tôi nhìn không rõ lắm. Chợt ông ta đứng dậy, tay đang cầm một cuốn sách đưa nó về cái chổ trống nơi tôi đang nhìn trộm. Cô biết không, thì ra là ông giáo sư của tôi đấy. Tôi chắc lúc đó mặt của tôi đỏ hừng. Không hiểu bằng cách nào mà tôi đã mĩm cười được và nói chuyện với anh ấy. Sau này nhớ lại thì hình như lúc đó hai vành tai của anh ta cũng đỏ không kém hai má của tôi, nhưng lúc đó tôi chả để ý được điều gì, anh ấy nói gì tôi cũng không nhớ được, chỉ nhớ tim tôi đập thình thịch, chỉ nghe được tiếng ồn duy nhất là nó. Sau đó hôm nào tôi vào thư viện cũng đến chổ Emerson ngồi, và hôm nào cũng thấy anh đã ngồi sẳng ở đó trước. Chỉ có vậy. Chúng tôi không có hẹn hò, vì tôi còn là sinh viên và anh là giáo sư của trường. Cái ngày ngay sau ngày ra trường là ngày hạnh phúc nhất đời tôi, vì đó là ngày chúng tôi cưới nhau. Anh ta không có gia đình, tôi chỉ có mẹ già, nên chúng tôi đến city hall, làm lễ cưới trước mặt quan tòa, vậy thôi. Cho nên tôi cứ nói với các con, thư viện là một nơi kỳ diệu, và đọc Emerson rất ư là có lợi. Tôi cười, vâng, quả thật thư viện và Emerson đều kỳ diệu. Rồi bà nhìn vào mắt tôi, bà nói, cho nên cô đừng lo, đừng nóng lòng, người ấy sẽ đến, cô phải kiên trì, cái người mà cô đang đợi ấy, anh ta rất thích đọc sách, ít nói, hay trầm tư, rất cứng rắng và cương quyết, cô phải đợi, đừng vội vã, cứ đợi, anh ta sẽ đến, những người như thế họ bước những bước rất chậm cô ạ, không nóng lòng được đâu. Tôi sững sờ, không biết trả lời bà như thế nào. Sao bà biết được tôi đang đợi ai? Sao bà biết được người ấy như thế nào? Thì vâng đại vậy. Nên tôi cứ trả lời cho qua, vâng, những điều tốt thường đến với kẻ nào chịu đợi. Bà lắc đầu (có phải là bà đã lắc đầu hay là trí nhớ tôi thêm bớt?), bảo tôi thêm lần nữa, cô đừng quên lời tôi nhé. Rồi xe dừng lại, đã tới Lake Springs. Chúng tôi chào chia tay rồi bà xuống xe. Cô con gái đang đợi ở cửa trạm xe bus, đứa cháu ngoại đứng kế bên mẹ nó, tóc vàng hoe như bà ngoại. Bà vẫy tay chào tôi lần nữa trước khi xe lăn bánh tiếp tục cuộc hành trình.

Về tới Chicago tôi đã mệt đừ. Chuyến đi hơi dài. Ba má thấy tôi về thì mừng lắm, nhưng ba càng ngày càng yếu quá, chỉ còn da bọc xương. Mới có nửa năm mà ba đã yếu đi hẳn, đi đâu cũng phải dùng gậy. Tôi bận bịu việc nhà, rồi trở lại trường, quên bẳng lời nói của người bạn già. Đến bây giờ mới bổng dưng nhớ tới chuyến đi và lời khuyên ấy, thành ra lời khuyên của bà đã thành vô dụng. Xin lỗi người bạn ấy. Chắc lúc cho tôi lời khuyến đó chính bà cũng biết tôi sẽ không nhớ kịp.

No comments:

Post a Comment